Bệnh tiểu đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp chữa bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường dường như không còn là cái tên quá xa lạ với chúng ta. Trong những năm trở lại đây, số bệnh nhân mắc căn bệnh này có xu hướng tăng nhanh, để lại nhiều biến chứng nặng nề, có thể kể đến như biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh,… Bệnh tiểu đường đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Vì thế, việc trang bị các kiến thức về nguyên nhân, dấu hiệu hay phương pháp chữa bệnh tiểu đường là vô cùng cần thiết. Nó sẽ giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả ngay ở giai đoạn đầu mới mắc bệnh. Chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn những kiến thức về bệnh tiểu đường mà chúng tôi biết được ngay trong nội dung sau đây.

Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường là gì

Bệnh tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, tác động của insulin hoặc cả hai. Việc tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protein, lipide, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Phân loại tiểu đường

Bệnh tiểu đường được ghi nhận dưới 3 loại như sau:

Tiểu đường type 1

Loại này do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy, gây giảm tiết insulin hoặc ngừng không tiết insulin, khiến lượng insulin lưu hành trong máu rất ít, không thể điều hòa lượng đường trong máu, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Tiểu đường type 1

Thường xảy ra ở trẻ em và những người dưới 20 tuổi, chiếm khoảng 5-10% tổng số trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Ở type 1, các triệu chứng bệnh xảy ra đột ngột và tiến triển rất nhanh nên có thể dễ dàng phát hiện ra bệnh.

Tiểu đường type 2

Đây là bệnh tiểu đường không phụ thuộc vào insulin. Ở type 2 này, insulin do tuyến tụy tiết ra mặc dù đạt số lượng như người bình thường nhưng lại giảm, hoặc không có vai trò điều hòa lượng đường trong máu do giảm chức năng của tế bào beta tuyến tụy phát triển trên nền tảng đề kháng insulin.

Tiểu đường type 2

Loại bệnh này phổ biến ở người trên 40 tuổi nhưng đang có xu hướng trẻ hóa trong tương lai. Số bệnh nhân mắc tiểu đường type 2 chiếm đến 90-95% tổng số các trường hợp mắc bệnh. Bệnh không có những triệu chứng rõ ràng như tiểu đường type 1 nên rất khó phát hiện bệnh.

Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ

Được chuẩn đoán thường trong ba tháng đầu hoặc cuối của thai kỳ, không có bằng chứng về tiểu đường type 1 cũng như type 2 trước đó. Ở phụ nữ mang thai, nhau thai sẽ tạo ra các hormone nữ như estrogen, progesterone sẽ tác động vào các thụ thể insulin ở trên tế bào đích, làm tăng đề kháng insulin. Tuy nhiên, khi tuyến tụy không thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết để vượt qua sức đề kháng này, dẫn đến tích tụ đường trong máu, dẫn đến tiểu đường trong suốt thời gian thai kỳ.

Mặc dù loại tiểu đường này sẽ hết khi phụ nữ sinh con, nhưng phụ nữ vẫn cần được can thiệp điều trị hiệu quả trong quá trình mang thai để tránh các tác động xấu tới mẹ và bé.

Dấu hiệu của bệnh tiểu đường

.Dấu hiệu của bệnh tiểu đường

Mỗi loại tiểu đường có những dấu hiệu nhận biết thay đổi ít nhiều. Nhiều khi rất mờ nhạt, thậm chí là không có triệu chứng khiến người bệnh khó nhận biết rằng mình đang mắc bệnh, mãi tới khi bệnh có những biến chứng mới bắt đầu thăm khám và chữa trị. Cùng tìm hiểu một số dấu hiệu của bệnh tiểu đường thường thấy như sau:

Dấu hiệu của tiểu đường type 1

Các triệu chứng của thể này diễn biến nhanh, có thể xuất hiện vài ngày, vài tuần với những biểu hiện điển hình như:

* Thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều: Tần suất đi tiểu của một người bình thường là 4-7 lần/ngày, nhưng ở người mắc tiểu đường type 1 thì tần suất cao hơn. Lý do xuất phát ở việc: ở cơ chế bình thường, cơ thể sẽ tái hấp thu glucose khi đi qua thận; còn ở người mắc tiểu đường type 1 thì lượng glucose sẽ bị đẩy lên cao khiến thận không thể hấp thụ trở lại. Hậu quả là glucose sẽ được thải qua đường nước tiểu, khiến cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu, dẫn tới việc bệnh nhân sẽ đi tiểu nhiều hơn. Khi đi tiểu nhiều sẽ dẫn tới tình trạng mất nước, bệnh nhân sẽ rất khát nên sẽ lại uống nước nhiều, khi uống nước nhiều sẽ đi tiểu nhiều. Việc này cứ như vậy diễn ra.

* Cảm thấy đói và mệt: Thường thì cơ thể sẽ chuyển đổi thực phẩm ăn vào thành glucose để các tế bào lấy năng lượng. Các tế bào muốn hấp thụ được glucose sẽ cần đến insulin, tuy nhiên, khi cơ thể không tạo ra đủ lượng insulin cần thiết, hoặc các tế bào của cơ thể kháng lại insulin được tạo ra sẽ khiến glucose không thể hấp thu và lấy năng lượng. Chính vì thế, bệnh nhân sẽ thấy đói và mệt hơn so với bình thường.

* Khô miệng, ngứa da: Bệnh nhân sẽ đi tiểu nhiều hơn khiến cơ thể bị mất nước, làm cho vùng miệng cảm thấy bị khô. Đồng thời, da khô khiến bệnh nhân cảm giác bị ngứa.

* Giảm cân: Có một số trường hợp bệnh nhân ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân sau vài tuần lễ do mất nước.

Dấu hiệu của tiểu đường type 2

Ở tiểu đường type 2 này, các triệu chứng phát triển dần dần và diễn ra trong nhiều năm. Hầu hết các bệnh nhân không gặp những triệu chứng rõ ràng như tiểu đường type 1 nên rất khó để phát hiện bệnh. Bệnh có thể vô tình được phát hiện khi xét nghiệm máu hoặc có những biến chứng như vết thương nhiễm trùng lâu lành. Một số dấu hiệu nghi ngờ cần thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để chuẩn đoán chính xác hơn vê căn bệnh này như:

* Nhiễm trùng nấm men: Cả ở nam và nữ đều có thể gặp phải tình trạng này nếu mắc bệnh tiểu đường. Nấm men sẽ ăn glucose, do đó sự tập trung nhiều glucose sẽ khiến nấm phát triển mạnh. Bệnh nhân có thể thấy nhiễm trùng ở bất kỳ nếp gấp ẩm của da, ở giữa ngón tay, ngón chân hay như vùng dưới ngực.

* Vết thương lâu lành: Khi lượng đường trong máu quá cao sẽ ảnh hưởng tới lưu lượng máu trong cơ thể, gây tổn thương hệ thần kinh, khiến khó lành các vết thương. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể cảm thấy đau hoặc tê ở chân, một biểu hiện có thể thấy của tổn thương hệ thần kinh.

Dấu hiệu của tiểu đường thai kỳ

Phụ nữ mang thai bị mắc tiểu đường thai kỳ thường cũng không có triệu chứng rõ ràng. Sản phụ sẽ cảm thấy khát nước hơn bình thường, đi tiểu nhiều hơn. Bệnh thường được chuẩn đoán ở 3 tháng ở giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ nhờ thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose 3 mẫu lúc thai được 24-28 tuần tuổi.

Tầm soát bệnh tiểu đường

Tầm soát bệnh tiểu đường

Người có nguy cơ bệnh tiểu đường thường là người lớn có BMI ≥ 23 kg/m2, hoặc cân nặng lớn hơn 120% cân nặng lý tưởng và có một hoặc nhiều hơn một trong các yếu tố nguy cơ sau:

* Ít vận động thể lực.

* Gia đình có người bị tiểu đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh chị em ruột).

* Tăng huyết áp (huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg hay đang điều trị thuốc hạ huyết áp).

* Nồng độ HDL cholesterol <35 mg/dl (0,9 mmol/L) và/hoặc nồng độ triglyceride > 250 mg/dL (2,82 mmol/L).

* Vùng bụng to: ở nam ≥ 90 cm, ở nữ ≥ 80 cm

* Phụ nữ bị buồng trứng đa nang.

* Phụ nữ đã mắc đái tháo đường thai kỳ.

* HbA1c ≥ 5,7% (39 mmol/mol), rối loạn glucose huyết đói hay rối loạn dung nạp glucose ở lần xét nghiệm trước đó.

* Có các dấu hiệu đề kháng insulin trên lâm sàng (như béo ph́ì, dấu gai đen v.v…).

* Tiền sử có bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.

* Ở bệnh nhân không có các dấu hiệu, triệu chứng trên, bắt đầu thực hiện xét nghiệm phát hiện sớm đái tháo đường ở người ≥ 45 tuổi.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường

Vậy nguyên nhân dẫn tới bệnh tiểu đường là gì?

Nguyên nhân của bệnh tiểu đường loại 1

Tiểu đường type 1 do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy nên người bệnh không còn hoặc rất ít insulin, 95% do cơ chế tự miễn, do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào sản xuất insulin có trong tuyến tụy, dẫn đến lượng đường tích lũy trong máu thay vì di chuyển đến các tế bào, 5% còn lại không rõ nguyên nhân.

Các yếu tố nguy cơ dẫn tới tiểu đường type 1 vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, ghi nhận đa số các bệnh nhân là khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh thì các thành viên khác cũng có nguy cơ mắc bệnh nhẹ. Hoặc các yếu tố môi trường, phơi nhiễm với một số loại virut cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.

Nguyên nhân của bệnh tiểu đường type 2

Nguyên nhân ở bệnh tiểu đường type 2 vẫn chưa được làm rõ, một số trường hợp là do di truyền. Bên cạnh đó, thừa cân béo phì cũng liên hệ chặt chẽ với bệnh, tuy nhiên cần phân biệt rằng không phải ai bị thừa cân cũng mắc tiểu đường type 2.

Một số yếu tố nguy cơ dẫn tới tiểu đường type 2 như:

* Di truyền từ gia đình

* Từng bị tiểu đường khi mang thai

* Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch

* Tăng huyết áp

* Ít hoạt động

* Thừa cân, béo phì

* Rối loạn dung nạp đường hay rối loạn đường huyết đói

Nguyên nhân của bệnh tiểu đường thai kỳ

Khi mang thai, nhau thai sẽ tạo ra những kích thích để duy trì thai kỳ. Những kích thích này sẽ làm cho tế bào tăng khả năng kháng insulin. Ở cơ chế bình thường, tuyến tụy sẽ sản xuất đủ insulin để vượt qua sức đề kháng này, tuy nhiên, trong một số trường hợp tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết khiến lượng đường vận chuyển vào tế bào giảm, lượng đường tích tụ lại trong máu cao lên, dẫn đến tiểu đường thai kỳ.

Phụ nữ mang thai bị thừa cân, có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường hoặc đã được chuẩn đoán bị rối loạn dung nạp glucose đều có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ.

4 Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao phát triển một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể dẫn tới các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng tới tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng. Ngoài ra, những người mắc bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Biến chứng trên tim mạch

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới tim và mạch máu và có thể gây ra các biến chứng gây tử vong như bệnh động mạch vành và đột quỵ. Bệnh tim mạch được cho là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường. Huyết áp cao, glucose máu cao và các nguy cơ khác góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.

Biến chứng trên thận

Biến chứng trên thận do tiểu đường gây ra do tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận dẫn tới hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh suy thận phổ biến ở những người bị tiểu đường hơn những người không bị tiểu đường. Việc duy trì mức glucose máu và huyết áp bình thường có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận.

Biến chứng lên hệ thần kinh

Biến chứng thần kinh do tiểu đường gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose trong máu và huyết áp cao. Có thể dẫn tới các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn cương dương và nhiều chức năng khác. Trong các cơ quan, bị ảnh hưởng nhiều nhất là các chi, đặc biệt là bàn chân. Tổn thương thần kinh ở những vùng này thường được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên và dẫn tới đau, ngứa và mất cảm giác. Đặc biệt, mất cảm giác là dấu hiệu đặc biệt quan trọng vì nó có thể cho phép chấn thương không được chú ý, dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng và có thể phải cắt chi. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị cắt cụt chi cao gấp 25 lần so với những người không mắc bệnh. Tuy nhiên, với sự quản lý toàn diện, có thể ngăn ngừa một tỷ lệ lớn cách cắt cụt liên quan đến bệnh tiểu đường. Ngay cả khi cắt cụt chi, chân còn lại và cuộc sống của người mắc bệnh vẫn có thể chữa trị, cải thiện bằng cách chăm sóc, theo dõi thường xuyên.

Biến chứng lên mắt

Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường sẽ bị mắc các bệnh về mắt, bệnh võng mạc làm giảm thị lực hoặc nghiêm trọng hơn là mù lòa. Mức glucose máu cao liên tục cùng huyết áp cao và cholesterol cao là những nguyên nhân chính gây nên bệnh võng mạc. Tình trạng này có thể được quản lý thông qua kiểm tra mắt thường xuyên và kiểm soát mức giữ glucose máu và lipid ở mức bình thường hoặc gần bình thường.

Phương pháp chữa bệnh tiểu đường

Phương pháp điều trị tiểu đường

Hiện nay có rất nhiều phương pháp chữa bệnh tiểu đường. Trong đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống hằng ngày song hành với chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý kết hợp theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên là những việc làm vô cùng cần thiết ở bệnh tiểu đường, dù ở bất cứ thể nào.

Ở thể tiểu đường type 1, bệnh nhân được chỉ định dùng insulin trong suốt quãng đời còn lại vì cơ thể đã mất khả năng tự sản sinh insulin.

Ở thể tiểu đường type 2, nếu trong trường hợp bệnh nhân không cải thiện được tình trạng tăng lượng đường trong máu bằng chế độ ăn uống kết hợp thể dục thể thao hằng ngày, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc hoặc tiêm thuốc để ổn định lượng đường trong máu.

Để bệnh tiểu đường không tiến triển nặng, bệnh nhân mắc tiểu đường cần có kế hoạch theo dõi lượng carbodyrate, cũng như hạn chế sử dụng các loại sản phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ; mà nên ăn nhiều rau xanh, các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Cũng cần lưu ý rằng, bệnh tiểu đường có thể thay đổi và tiến triển khác nhau ở từng giai đoạn, do đó bệnh nhân cần chú ý thăm khám thường xuyên tình trạng bệnh, để có những kế hoạch điều trị hiệu quả.

Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường

Không thể phòng ngừa được bệnh tiểu đường type 1 nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể giảm bớt nguy cơ để bệnh tiến triển thành tiểu đường type 2 bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và có kế hoạch tập luyện thể dục thể thao hợp lý.

Có chế độ ăn uống hợp lý

Có chế độ ăn uống hợp lý phòng ngừa tiểu đường

Bệnh nhân có kiểm soát được lượng đường hay không phụ thuộc rất lớn vào chế độ ăn uống. Nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn dành cho người bị bệnh tiểu đường là đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh, không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn và cũng không làm hạ đường huyết sau bữa ăn nhằm duy trì hoạt động thể lực bình thường và duy trì cân nặng hợp lý.

Cân bằng tỷ lệ carbohydrate, protein và chất béo, bổ sung những thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất béo và calo như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,…Bệnh nhân có thể ăn uống theo chỉ dẫn của bác sỹ điều trị hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống hợp lý.

Thể dục thể thao hợp lý

Tập thể dục phòng tránh tiểu đường

Việc tập luyện thể dục, thể thao không chỉ giúp giảm đường huyết, duy trì cân nặng ở mức ổn định mà còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bệnh nhân mắc tiểu đường nên tập thể dục thể thao ít nhất 5 lần mỗi tuần với 30 phút/ lần, 1 lần/ngày. Bệnh nhân cũng có thể tham khảo ý kiến bác sỹ để có bài tập phù hợp với thể trạng riêng.

Những thông tin chúng tôi đã chia sẻ ở trên được tìm hiểu và chắt lọc trong lĩnh vực liên quan đến bệnh tiểu đường. Hy vọng, những thông tin ở trên sẽ giúp bạn bảo vệ tốt cho bạn và gia đình thân yêu của mình khỏi căn bệnh này một cách hiệu quả nhất.

*** Bạn có thể tìm hiểu thêm: Tác dụng của Đường Dương với người bệnh tiểu đường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *