Có mấy loại tiểu đường? Tìm hiểu các loại tiểu đường hiện nay

Bệnh tiểu đường là một trong những bệnh được rất nhiều người quan tâm với lượng bệnh nhân rất lớn tại Việt Nam. Mời bạn cùng tìm hiểu nhiều hơn về bệnh tiểu đường, có mấy loại tiểu đường và tìm hiểu chi tiết các loại tiểu đường hiện nay qua bài viết sau đây.

Có mấy loại tiểu đường? Tìm hiểu các loại tiểu đường hiện nay

Tìm hiểu chung về bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường là loại bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, tác động của insulin hoặc cả hai. Việc tăng glucose mãn tính ở thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, lipid, protein, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là ở tim và mạch máu, thận, mắt và thần kinh.

Có mấy loại tiểu đường?

Có mấy loại tiểu đường?

Bệnh tiểu đường hiện được ghi nhận có 3 loại như sau:

Tiểu đường type 1

Cơ chế gây bệnh: Do tế bào tuyến tụy bị phá hủy, gây giảm tiết insulin hoặc ngừng tiết insulin khiến cho lượng insulin lưu thông trong máu rất ít, không thể điều hòa lượng đường trong máu, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người mắc bệnh.

Đối tượng thường gặp: Thường thấy ở trẻ em và những người dưới 20 tuổi, chiếm 5-10 % tổng số trường hợp mắc bệnh. Ở tiểu đường type 1 thì các triệu chứng xảy ra đột ngột và tiến triển rất nhanh, nên dễ dàng để phát hiện ra bệnh khi mắc tiểu đường type 1.

Tiểu đường type 2

Cơ chế gây bệnh: insulin do tuyến tụy tiết ra dù có số lượng như người bình thường nhưng vai trò điều hòa lượng đường trong máu lại giảm hoặc không có, do giảm chức năng của tế bào beta tuyến tụy phát triển trên nền tảng đề kháng insulin.

Đối tượng thường gặp: người trên 40 tuổi nhưng đang có xu hướng trẻ hóa trong tương lai. Số bệnh nhân mắc tiểu đường type 2 này chiếm tới 90-95% tổng các trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Khác với tiểu đường type 1, triệu chứng của tiểu đường type 2 lại không rõ ràng nên rất khó để phát hiện ra bệnh.

Tiểu đường thai kỳ

Loại tiểu đường này thường sẽ hết khi phụ nữ sinh con, tuy nhiên phụ nữ vẫn cần được điều trị, không được chủ quan để tránh những ảnh hưởng xấu tới cả mẹ và bé. Thường bệnh sẽ được phát hiện ở giai đoạn 3 tháng đầu hoặc cuối của thai kỳ nên phụ nữ cần thăm khám sức khỏe thường xuyên, theo chỉ định của bác sỹ để có thể chữa trị kịp thời.

Cơ chế gây bệnh: Khi bị bệnh tiểu đường thai kỳ, nhau thai của người phụ nữ sẽ tạo ra các hormon nữ như estrogen, progesterone sẽ tác động vào các thụ thể insulin ở tế bào đích, làm tăng đề kháng insulin. Tuy nhiên, khi tuyến tụy không thể sản sinh đủ lượng insulin cần thiết để vượt qua sức đề kháng này sẽ gây nên hiện tượng tích đường trong máu, dẫn đến tiểu đường trong suốt thời gian của thai kỳ.

Dấu hiệu của từng loại tiểu đường là gì?

Dấu hiệu của từng loại tiểu đường

Mỗi loại tiểu đường sẽ có những dấu hiệu khác nhau, có những loại tiểu đường có dấu hiệu rõ ràng, cũng có những loại tiểu đường có dấu hiệu rất mờ nhạt. Những dấu hiệu điển hình của mỗi loại bệnh như sau:

Dấu hiệu của bệnh tiểu đường type 1

Như đã đề cập ở trên, triệu chứng của thể này diễn biến nhanh, có thể xuất hiện vài ngày, vài tuần với những biểu hiện điển hình như:

* Cảm thấy đói và mệt: các tế bào muốn hấp thụ được glucose sẽ cần tới sự trợ giúp của insulin, tuy nhiên, khi cơ thể không tạo ra đủ lượng insulin cần thiết hoặc các tế bào của cơ thể kháng lại insulin được tạo ra sẽ khiến glucose không thể hấp thụ và lấy năng lượng. Vì lý do đó mà bệnh nhân sẽ thấy đói và mệt hơn so với người bình thường.

* Khô miệng, ngứa da: Bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn khiến cơ thể bị mất nước, làm cho vùng miệng cảm thấy bị khô. Đồng thời, da khô khiến bệnh nhân cảm giác bị ngứa.

* Sụt cân: có một số trường hợp, bệnh nhân ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân sau vài tuần do bị mất nước.

Dấu hiệu của bệnh tiểu đường type 2

Các triệu chứng phát triển dần dần và diễn ra trong một thời gian dài. Hầu hết, các bệnh nhân mắc tiểu đường type 2 sẽ không gặp những triệu chứng rõ ràng. Bệnh hay được phát hiện khi đi xét nghiệm máu hoặc có biến chứng như vết thương nhiễm trùng lâu lành. Một số dấu hiệu nghi ngờ cần thăm khám và làm các xét nghiệm chính xác hơn về bệnh này như:

* Nhiễm trùng nấm men: bệnh nhân có thể thấy nhiễm trùng ở bất kỳ nếp gấp của da, ở ngón giữa của tay, chân hoặc dưới ngực.

* Vết thương lâu lành: Khi lượng đường trong máu quá cao sẽ ảnh hưởng tới lưu lượng máu trong cơ thể, gây tổn thương tới hệ thần kinh, khiến vết thương lâu lành hơn bình thường.

Dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ

Sản phụ cũng sẽ không cảm thấy các triệu chứng rõ ràng, họ chỉ cảm thấy khát nước hơn bình thường, đi tiểu cũng nhiều hơn. Bệnh thường được chuẩn đoán ở 3 tháng ở giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ nhờ thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose 3 mẫu lúc thai được 24-28 tuần tuổi.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao phát triển một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể dẫn tới các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng tới tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng. Ngoài ra, những người mắc bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Biến chứng trên tim mạch

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới tim và mạch máu, có thể gây ra các biến chứng gây tử vong, đột quỵ là một điển hình. Bệnh tim mạch được cho là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường.  Huyết áp cao, glucose máu cao và các nguy cơ khác góp phần làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.

Biến chứng trên thận

Biến chứng trên thận mà tiểu đường gây ra do tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận dẫn tới hoạt động kém hiệu quả hoặc suy thận. Bệnh suy thận phổ biến ở những người bị tiểu đường hơn những người không bị tiểu đường. Việc duy trì mức glucose máu và huyết áp bình thường có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh thận.

Biến chứng lên hệ thần kinh

Biến chứng thần kinh do tiểu đường gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose trong máu và huyết áp cao. Có thể dẫn tới các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn cương dương và nhiều vấn đề khác. Trong các khu vực, bị ảnh hưởng nhiều nhất là các chi, đặc biệt là bàn chân. Tổn thương thần kinh ở những vùng này thường được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên và dẫn tới đau, ngứa và mất cảm giác. Đặc biệt, mất cảm giác là dấu hiệu đặc biệt quan trọng vì nó có thể cho phép chấn thương không được chú ý, dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng và có thể phải cắt chi. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị cắt cụt chi cao gấp 25 lần so với những người không mắc bệnh.

Biến chứng lên mắt

Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường sẽ bị mắc các bệnh về mắt, bệnh võng mạc làm giảm thị lực hoặc nghiêm trọng hơn là mù lòa. Mức glucose máu cao liên tục cùng huyết áp cao và cholesterol cao là những nguyên nhân chính gây nên bệnh võng mạc.

Hy vọng những thông tin mà chúng tôi chia sẻ đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về bệnh tiểu đường, các loại bệnh tiểu đường và biến chứng nguy hiểm mà bệnh này gây ra. Từ đó có những biện pháp phòng tránh hoặc điều trị cho thích hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *